(Đất Bắc Ninh) – Liên tục nhận được cuộc gọi từ môi giới hỏi mua nhà ở Hà Nội với giá cao, thậm chí “cò” hứa có khách đặt cọc ngay, nhưng khi một số chủ nhà đồng ý bán thì không thấy ai tới mua, “cò” cũng biến mất.
Môi giới hỏi mua nhà giá cao, nhưng chủ đồng ý thì “mất hút”
Nói với phóng viên, chị Nguyễn Quỳnh (sinh sống tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình chị đang sống trong căn chung cư có diện tích 81m2, thiết kế 3 phòng ngủ đã mua cách đây 2 năm với giá 3,5 tỷ đồng.
Thời điểm tháng 8, chưa có nhu cầu bán nhà nhưng chị Quỳnh liên tục nhận được cuộc gọi từ môi giới hỏi mua nhà với giá cao tới 5,5 tỷ đồng. Thậm chí, môi giới còn khẳng định chắc nịch: “Nếu đồng ý bán, ngày mai sẽ dẫn khách tới đặt cọc luôn”.
Sau nhiều lần chị Quỳnh từ chối bán, mới đây chị được môi giới tiếp tục liên hệ lại và hỏi mua. Lần này, môi giới cho rằng, nếu như thiện chí có thể mức giá sẽ tăng cao hơn 100-200 triệu đồng và có khách cọc ngay. “Nhiều lần được chào mời như vậy tôi cũng mủi lòng, bàn với chồng nếu được giá như vậy sẽ bán căn nhà này đi để chuyển xuống mua nhà đất ở rộng rãi hơn. Lần gần nhất môi giới liên hệ lại tôi đã đồng ý bán, bảo họ dẫn khách tới.
Tuy nhiên, đợi gần 2 tuần nhưng chưa thấy môi giới nào dẫn khách tới, cũng không thấy liên hệ lại”, chị Quỳnh nói.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hà (sống tại Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cuối năm 2022 anh mua một căn chung cư có diện tích 70m2, thiết kế 2 phòng ngủ với giá 3 tỷ đồng. Tháng 9 vừa qua, gia đình anh có ý định bán để đổi sang căn khác rộng hơn. Anh đăng thông tin lên một số hội nhóm mua bán bất động sản để tham khảo.
Ngay sau đó, hàng loạt môi giới liên hệ với anh Hà ngỏ ý mua cho khách với giá 4,8 tỷ đồng. Nếu đồng ý, khách sẽ tới đặt cọc ngay. “Mức giá môi giới đưa ra khiến tôi cũng rất bất ngờ. Tôi đồng ý bán nhưng đã một tuần chưa thấy ai đến”, anh Hà nói.
Chuyên gia: Chiêu trò của nhóm người có mục đích không trong sáng
Theo anh Vũ Thanh Tùng – chủ một sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội – việc môi giới liên tục gọi chủ nhà hỏi mua căn hộ với giá cao ngất ngưởng nhưng không tới, thực tế không hiếm trên thị trường, nhất là trong giai đoạn chung cư đang nóng như hiện nay.
Thực tế, những môi giới làm vậy để chủ nhà tưởng rằng chung cư đang rất “nóng”; giá tăng rất nhanh để chủ nhà có thể dừng kế hoạch bán, hạn chế nguồn cung. Bên cạnh đó, chủ nhà có thể sẽ đẩy giá cao hơn nữa làm cho thị trường thêm “nóng”.
Còn ở phía người mua, thấy rằng các chủ nhà đều đồng loạt tăng giá sẽ nghĩ rằng nếu không mua nhanh giá sẽ tăng thêm, khó mua, từ đó thúc đẩy quá trình xuống tiền của người mua nhanh hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) – đánh giá giai đoạn vừa qua giá chung cư tăng bất thường, đặc biệt tại Hà Nội.
Ông Đính cho rằng hiện tượng này chắc chắn có sự tác động từ nhóm lợi ích trong khi bối cảnh kinh tế, thị trường cũng như thu nhập của người dân chưa hồi phục. “Giá nhà tăng cao, nhưng giao dịch lại không xuất hiện, đây có thể là chiêu trò nào đó của một nhóm đầu tư có mục đích không trong sáng”, ông Đính thẳng thắn đánh giá.
Theo ông, những nhóm lợi ích này thực hiện được các chiêu trò thổi giá xuất phát từ thực tế nguồn cung căn hộ chung cư đang có vấn đề. Trong vài năm gần đây, thị trường không có dự án mới được phê duyệt cấp phép đầu tư. Các dự án trên thị trường chủ yếu là dự án cũ và được mua đi bán lại. Nguồn cung vừa thiếu vừa kém chất lượng, cung cho người dân, người thu nhập thấp rất ít, cấu trúc sản phẩm không phù hợp.
Bà Phạm Thị Miền – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam – cho rằng bên cạnh những kết quả xuất phát từ cung, cầu thực tế, thị trường cũng đã xuất hiện những dấu hiệu “tạo nhiệt”. Tình trạng này thể hiện qua việc đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà ở, và phát sinh các giao dịch bất động sản thiếu minh bạch.
Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường với mục đích lướt sóng, khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao bất hợp lý. Dấu hiệu “tạo nhiệt” còn thể hiện ở phân khúc căn hộ với mặt bằng giá chào bán căn hộ chuyển nhượng ngày càng cao, do sự “tiếp tay” của một số nhóm đầu cơ.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng, thời gian qua một số hội nhóm đầu cơ, nhà đầu tư và các cá nhân hoạt động môi giới bất động sản gây nhiễu loạn thông tin thị trường để “thổi giá”, “tạo giá ảo”… Những hội nhóm này lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thao túng tâm lý, lôi kéo đầu tư theo tâm lý đám đông để trục lợi.
Theo Dân Trí